Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
142157

 Bánh lá Hà LaiI đạt chất lượng OCCOP 4 sao

 

Xã Hà Lai, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa là vùng đất địa linh, giàu truyền thống Văn hóa và Lịch sử và cách mạng. Hà Lai có địa thế đặc biệt, với cảnh quan thiên nhiên làm say đắm lòng người: Hồ Con Nhạn nên thơ, Núi Thần Y vuông vức... Những công trình kiến trúc tâm linh, như đình làng Phú Thọ, đình làng Mậu Yên, đình, đền Đô Thái Giám, Nghè Vân Cô... gợi một miền ký ức cổ xưa mang đầy sắc màu tín ngưỡng dân gian. Để rồi, cứ mỗi dịp lễ, tết, xuân về, những sắc màu lễ hội lại được người dân nơi đây tái hiện, truyền đạt như mang theo một niềm tự hào về quê hương, bản quán của một vùng quê yên bình đến lạ: "Hạc về múa ngưỡng thiên hồ - Quý nhân, quý địa đổ về Mậu Yên".

Không chỉ là vùng đất của những giá trị lịch sử, văn hóa, Hà Lai còn được biết đến với những món ăn truyền thống mang đặc trưng của người dân nơi đây. Trong đó, nổi tiếng nhất là món "Bánh lá Hà Lai" thứ bánh giản dị, đơn sơ, nhưng mang đậm hương vị của nền văn hóa, nông nghiệp lúa nước ngàn năm để lại. Bánh lá Hà Lai còn được nhân dân quen gọi là chiếc "Bánh răng bừa", ai đã từng sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này, được thưởng thức món "Bánh răng bừa", đều không thể quên được hương vị quê hương riêng của vùng quê chiêm trũng. Nó đậm đà, ngọt ngào như lời ru ầu ơ của Mẹ, như nỗi vất vả và cực nhọc của Cha, để làm ra những hạt gạo trắng thơm cho người dân nơi đây kết tinh, thổi hồn vào trong chiếc bánh.

 Những năm trước đây, Hà Lai là một trong những xã vùng chiêm trũng khó khăn bậc nhất của huyện Hà Trung. Vùng đất chưa nắng đã khô, chưa mưa đã ngập...  Vậy mà, chỉ sau một thời không dài, cuộc sống nơi đây đã thay da đổi thịt, là một xã nông thôn mới trù phú, sầm uất, những cánh đồng lúa bao la, xanh trong đương thì con gái, trổ một màu xanh no ấm, những con đường rải nhựa thẳng tắp, rộng rãi, thênh thang, sạch sẽ, những dãy nhà kiên cố khang trang, mọc lên san sát.

Xưa kia, Hà Lai là xứ đồng chiêm trũng, cũng bởi, điều kiện canh tác nông nghiệp vất vả, nên cuộc sống của người dân nơi này nghèo khó, gieo neo... Nhưng chính từ những cánh đồng chiêm trũng ấy, với thổ nhưỡng và khí hậu đặc biệt, đã ưu ái nơi đây trồng được nhiều thứ gạo thơm ngon nổi tiếng. Để rồi, qua bàn tay sáng tạo, khéo léo của các bà, các mẹ, đã tạo nên chiếc "Bánh lá Hà Lai" đậm đà dư vị. Hương vị của bánh là tổng hòa hương vị của những sản vật, nguyên liệu, gần gũi, mộc mạc. Bóc chiếc bánh, ngửi hơi khói thơm lừng, nhấm nháp vị dẻo thơm của gạo, vị bùi béo của thịt, quấn quyện trong hương lá dong xanh; mà như thấy giọt mồ hôi của mẹ cha đổ xuống đồng chiêm trũng, như thấy nắng gió quê nhà kết tinh trong vị bánh ngọt ngào yêu thương...

http://banhlahalai.vn/file/download/636289348.html

Bánh lá Hà Lai

 

Trước đây, cũng bởi cuộc sống khó nghèo, bánh lá Hà Lai thường chỉ được làm trong dịp lễ, tết, giỗ chạp... Ngày nay, khi đời sống của người dân đã đủ đầy, bánh răng  bừa dần trở thành món ngon thường nhật. Theo những chuyến xe Nam- Bắc, theo gói quà gửi khách phương xa, theo lòng nhớ thương của những người con xa xứ, danh tiếng của chiếc bánh lá Hà Lai đã bắt đầu được người dân khắp nơi trong và ngoài tỉnh Thanh biết tới.

 

http://banhlahalai.vn/file/download/636289349.html

Bánh lá Hà Lai được chế biến mỗi ngày để phục vụ nhu cầu tiêu dùng

Ngày nay, quy trình kĩ thuật làm "Bánh lá Hà Lai", dù có được cải tiến, nhưng vẫn giữ gần như nguyên vẹn bí kíp truyền thống của những người phụ nữ nơi đây.  

Để có chiếc bánh ngon, gạo là nguyên liệu có vai trò quyết định. Có nhiều loại gạo tẻ có thể làm bánh răng bừa, nhưng thứ gạo tạo nên hương vị bánh đặc trưng đối với người Hà Lai là gạo Xi 23. Gạo được chọn lọc kỹ càng sau mỗi vụ thu hoạch, đem bảo quản riêng. Trước khi chế biến được ngâm trong nước lạnh từ 2 đến 3 giờ đồng hồ, rồi đem xay thành bột, sao cho thật nhuyễn mịn, sau đó được đặt lên bếp lửa nhỏ, khuấy đều tay cho đến khi đặc, dẻo, quyện vào đôi đũa cả. Đây là khâu rất quan trọng, chỉ cần có chút sơ xuất nhỏ trong khâu sơ chế bột, có thể khiến chiếc bánh làm ra không còn ngon nữa. Kĩ thuật ngâm gạo và "dáo bột" là bí quyết rất riêng, làm nên hương vị đặc trưng của "Bánh lá Hà Lai", hoàn toàn khác biệt với bánh của các địa phương khác...

Bột làm xong, sẽ chuyển sang công đoạn làm nhân bánh. Thịt ba chỉ thật tươi ngon, băm nhuyễn, rồi tẩm ướp cùng hành khô và nhiều gia vị khác, sao cho  dậy lên hương vị đậm đà...

Bột đã xong, nhân đã sẵn sàng, các chị, các mẹ sẽ gói bánh bằng lá dong tươi. Bánh được gói theo kiểu gấp nếp lá, bẻ gập hai đầu. Cách gói này tạo nên chiếc bánh  gọn gàng, chắc chắn, lại rất đẹp mắt.

Trước đây, bánh lá Hà Lai thường được luộc trên bếp than, bếp củi truyền thống... Ngày nay, bánh được đồ trong nồi hấp, tủ hấp vừa có thể sản xuất số lượng lớn, vừa giúp bánh thơm ngon hơn, thời gian bảo quản được lâu hơn, lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bánh lá Hà Lai ngon nhất là thưởng thức khi còn nóng hổi, cùng với bát nước mắm truyền thống, đậm đà hương vị cổ truyền. Hương vị ấy vấn vít nơi đầu lưỡi, quấn quyện trong tâm khảm và chỉ sau một lần thưởng thức, có thể theo ta đi đến suốt cuộc đời.

Chiếc bánh răng bừa của xứ đồng chiêm trũng Hà Lai đã tồn tại trên mảnh đất này suốt hàng trăm năm. Trải qua thời gian, trải qua cả những thăng trầm lịch sử, sản vật nhỏ bé mà chứa đựng bao cơ tầng văn hóa ấy vẫn tồn tại trong đời sống của người dân trên mảnh đất này.

Để rồi, ngày hôm nay, "Bánh lá Hà Lai" đang dần vươn ra khỏi địa hạt xứ đồng chiêm trũng, khẳng định thương hiệu và chất lượng với người tiêu dùng khắp muôn phương. Nghề làm bánh truyền thống đang ngày càng phát triển, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân Hà Lai.

Và bởi vậy, câu chuyện thân thương về chiếc "Bánh lá Hà Lai", chắc chắn sẽ còn được các thế hệ người dân nơi này viết tiếp, kể tiếp, trong hôm nay và đến  mai sau...

Lê Thị Tuyết – CC VHXH

   

CÔNG KHAI KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT TTHC